Tin tức

Không nhỏ thuốc mũi cả 2 bên cùng lúc

Cập nhật: 03/10/2012

Hãy để sau khi một bên bị loại trừ bệnh rồi mới nhỏ bên kia.
 
TS Nguyễn Hoàng Sơn, Viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, tai mũi họng là 3 đường thông nhau nên đôi khi bị ngạt mũi lại là biểu hiện bệnh ở tai, ở họng. Và nhiều khi nhỏ thuốc mũi chỉ điều trị được triệu chứng chứ không trị được gốc bệnh.
 
Theo TS Nguyễn Hoàng Sơn, khi bị ngạt mũi trước hết nên nhỏ nước muối sinh lý, sau đó hút mũi cho sạch, thế là đủ. Phần lớn khi bị ngạt mũi là do dịch mũi gây ra. Trẻ nhỏ lại thường không biết xì mũi, còn các bà mẹ lại sợ bẩn không hút mũi cho con nên càng khiến trẻ ngạt mũi hơn.
 
Hiện nay có quả bóng để hút mũi, các bà mẹ có thể dùng để hút nước mũi cho trẻ, hoặc đến các cơ sở y tế đơn giản để người ta có dụng cụ hút mũi. Nếu có phải nhỏ thuốc mũi thì với trẻ sơ sinh, người ta khuyên nên nhỏ dung dịch Adrenalin 1/3000, nhưng không dùng quá 5 ngày. Nếu ngạt hơn có thể dùng Sunfarin 1% hoặc Efedrin 1%, và không dùng quá một tuần.
 
Sau khi đã thực sự hút hết dịch thì nhỏ mũi cũng không nên nhỏ cả hai bên cùng lúc. Để nếu hàm lượng thuốc có ngập vào cơ thể thì cũng vừa phải. Sau khi mũi bên này hết ngạt thì nhỏ mũi bên kia.
 
TS Nguyễn Hoàng Sơn, Viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết thêm, việc dùng thuốc nhỏ mũi gây co mạch dễ xảy nguy cơ ngộ độc cho trẻ. Hiện có rất nhiều thuốc nhỏ mũi có tác dụng gây co mạch. Đặc biệt, nhóm thuốc có Naphtazolin rất dễ gây tác hại độc cho trẻ nhỏ.
 
Thuốc chứa Naphtazolin thường chống nghẹt mũi rất nhanh, nhưng nó có thể khiến cho trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 3 tuổi bị mạch nhanh lên và có thể gây ngộ độc chết người. Vì vậy, các bà mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất gây co mạch, chống sung huyết cho trẻ nhỏ.
 
Theo giadinh.net.vn