Tin tức

Sự hi sinh của Hàn Quốc và bài học cho châu Âu

Cập nhật: 13/07/2012

Ít ai có thể hình dung là chỉ 15 năm trước đây, Hàn Quốc đã đứng bên bờ vực phá sản. Thế nhưng chỉ trong vòng 3 năm kinh tế Hàn Quốc đã hồi phục, mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào khác và rồi có thể trả nợ. Điều kỳ diệu gì đã diễn ra?

Sự chuyển mình kỳ diệu

Seoul ngày này trở thành một trung tâm thương mại sôi động và sầm uất. Nhưng vào năm 1997, bao trùm lên toàn khu vực là tình trạng nợ nần và nợ nần...

Sức cạnh tranh yếu kém, hoạt động doanh nghiệp hết sức ảm đạm cộng với sự gia tăng các khoản nợ xấu đã thực sự làm tê liệt hệ thống ngân hàng tài chính. Khả năng quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ còn hạn chế cộng với những khoản nợ nước ngoài đã tạo nên một hiệu ứng tiêu cực, lòng tin của thế giới đối với nền kinh tế này bị xói mòn khiến cho Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ đổ vỡ rất lớn.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã diễn ra và trở thành một đòn đau không chỉ với Hàn Quốc mà còn với toàn khu vực. Nhiệm vụ đặt ra cho nước này lúc đó là tìm ra con đường thoát khỏi bế tắc và họ đã thành công.
Trước tiên là chấp nhận một khoản vay khổng lồ trị giá 58 tỷ USD từ quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), và sau đó là từng bước giải quyết những khó khăn bằng một cuộc cải cách toàn diện và đồng bộ với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.

Nhận khoản vay từ IMF đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ phải chấp nhận thực hiện cam kết với tổ chức này về chính sách thắt lưng buộc bụng vô cùng hà khắc. Họ chấp nhận thu hẹp sản xuất. Một loạt các ngân hàng lớn, các doanh nghiệp lớn phải tạm dừng hoạt động.

Thế nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi của cả chính phủ và nhân dân, Hàn Quốc đã phục hồi nhanh chóng. Chỉ trong vòng 3 năm kinh tế Hàn Quốc đã cải thiện rõ rệt, mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào khác và rồi có khả năng trả nợ.

Tăng tưởng GDP đạt 5,8% năm 1998 và 10% năm 1999 trong khi đó tăng trưởng công nghiệp cũng tăng từ 7,3% lên 20% năm 1999. Thâm hụt tài chính ở mức 23 tỷ USD vào năm 1996 đã được khắc phục và đến năm 1999, thặng dư 20 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ cũng tăng từ 7,2 tỷ USD năm 1997 lên 68,4 tỷ USD chỉ sau hai năm. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm nhanh chóng xuống chỉ còn hơn 4% năm 2000.

Giờ đây Hàn Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới.

Ông Mike Breen, phóng viên Seoul từ thời kỳ khủng hoảng cho biết, nhiều người dân Hàn Quốc ngày nay rất sửng sốt khi thấy phản ứng của người Hy Lạp khi đối mặt với nguy cơ phá sản của đất nước.

Sự hy sinh của người Hàn Quốc

Có hai điều đáng nhớ về cách người Hàn Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Một là tốc độ tái thiết nền kinh tế thần kỳ và hai là sự sẵn sàng chung tay của người dân trong sự nghiệp của cả dân tộc.
Tất cả mọi người dân Hàn Quốc, ai ai cũng có ý thức và trách nhiệm giúp đất nước vượt qua gian khó. Họ ngủ ít hơn, làm việc chăm chỉ hơn, chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn bên cạnh việc không ngừng học hỏi để phát triển khả năng cạnh tranh.

Bà Choi Gwang-ja, người dân Seoul hiện đang sống tại khu căn hộ sang trọng ở miền Nam thành phố (biểu tượng cho sự thành công của Hàn Quốc bởi mỗi căn hộ tại đây có giá 1 triệu USD).

Nhìn đứa cháu gái 9 tuổi đang chơi đùa, bà Choi nói về truyền thống được nhận quà (nhẫn vàng) khi sinh con của người Hàn Quốc.

Thế nhưng bà lại không còn chiếc nhẫn nhận được khi sinh con gái trước đó bởi cũng giống như nhiều người phụ nữ Hàn khác, bà đã bán trang sức để góp phần giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính.
"Khi phải bán trang sức đi, với tôi là một cái gì đó thật đau đớn. Thậm chí là bây giờ, mỗi khi nghĩ tới, tôi lại rơi nước mắt. Bởi mỗi một món đồ trang sức là một kỷ vật, nhẫn đính hôn của hai vợ chồng tôi, nhẫn nhận được trong ngày sinh con gái...Nhưng vào thời điểm ấy thì đó là điều duy nhất chúng tôi có thể làm. Người ta nói, đất nước sắp phá sản." bà Choi chia sẻ.

Đây là một nghĩa cử cao đẹp của không chỉ bà Choi Gwang-ja mà còn của hàng triệu người dân Hàn Quốc lúc bấy giờ.

Nhiều chiến dịch vận động được thực hiện trên khắp cả nước. Mọi người được khuyến khích mua hàng nội địa và quyên góp ngoại tệ cho chính phủ.

Bên cạnh những cuộc vận động này là những chương trình tái thiết mạnh mẽ và toàn diện. Và tại một đất nước nơi mà các tổ chức công đoàn trở thành chiến sĩ thì hẳn phải có sự cắt giảm lao động. Vậy chính phủ đã làm thế nào?

Tại các văn phòng của bộ Tài chính, có một không gian bao trùm lên tất cả, đó là không gian ảm đạm, trống trải.
"Thật đáng sợ bởi ở đó có cái cảm giác của sự sợ hãi!", ông Lee Chan-woo, phó giám đốc ban chính sách kinh tế của Bộ trong thời kỳ khủng hoảng cho biết.

Khi được hỏi làm thế nào để có thể tập hợp được công chúng, ông nói: "Đó là sự sẻ chia gánh nặng. Tất cả mọi thành phần của nền kinh tế phải nhận thức được nghĩa vụ bình đẳng của mình trong hành trình tái thiết nền kinh tế. Vì thế, những người nắm giữ tài sản hay những cổ đông chính, họ đều cắt giảm cổ phần của mình trong doanh nghiệp hoặc chuyển giao tài sản vì sự nghiệp chung".

"Quản lý và nhân viên chấp nhận bị cắt lương, thậm chí nghỉ việc. Sự đồng lòng của mọi người chính là nền tảng quan trọng".

Mặc dù ông Mr Breen cũng nói không hề dễ dàng để người dân tin vào chính phủ của mình.

"Người Hàn Quốc cũng giống như người châu Âu, cũng ích kỷ, bất đồng và ngờ vực. Nhưng bên cạnh đó, họ đã từng trải qua cái nghèo, cái đói và họ làm được điều kỳ diệu đó chính là bởi tinh thần dân tộc, bởi tinh thần hi sinh cho cái chung", ông nói.

Vì thế, khi mà tinh thần dân tộc và yêu nước nước khơi gợi một cách hợp lý thì không có lý do gì mà dân quay lưng lại với chính phủ.

"Và tại rất nhiều quốc gia châu Âu, tôi không chắc là nhiều người dân được tuyên truyền một cách thiết thực về cuộc khủng hoảng. Họ chỉ được đọc thông tin trên báo chí. Mà đó chỉ là một sự hỗn tạp. Có rất nhiều cuộc thảo luận về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, hay ai là người chịu trách nhiệm. Những tất cả chỉ là một mớ lộn xộn, ầm ĩ và vô nghĩa. Còn đối với người Hàn Quốc, không có chỗ cho cái gọi là sự ầm ĩ", ông nói.

Bài học cho châu Âu

Một nhân tố khác, theo ông Mr Breen, đó là một xã hội thịnh vượng. Người Hàn Quốc đã không có quá nhiều thứ để dựa vào trong cuộc khủng hoảng tài chính và vì thế họ hiểu được ý nghĩa thực sự.

Thậm chí ngay cả bây giờ, Hàn Quốc vẫn không hề hấn trước những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro. Đây là nền kinh tế xuất khẩu và châu Âu là khách hàng lớn nhất.

Choi Gwang-ja nói, bà không hiểu tại sao người châu Âu là phản ứng quá khác trước nguy cơ phá sản. "Tôi biết cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu có khác so với Hàn Quốc trước kia nhưng nếu như họ đồng lòng giống như chúng tôi đã từng làm thì họ có thể đã vượt qua".

"Bất kỳ một đất nước nào cũng có thể làm được điều đó nếu như có một phong trào quốc gia kêu gọi và tập hợp lòng dân. Hàn Quốc là một nước nhỏ. Gia đình châu Âu thì giàu hơn nhiều chúng tôi, và tôi nghĩ họ có rất nhiều vàng trong nhà".

Trên thực tế thì cuộc vận động hiến trang sức tại Hàn Quốc có ý nghĩa về mặt tinh thần hơn là tài chính. Tuy nhiên, theo ông Breen thì đây cũng là một giải pháp mà châu Âu nên thử.

"Châu Âu đôi khi vẫn hay cho rằng người Mỹ quá lạc quan và đơn giản. Nhưng tiếc là, thực tế người châu Âu cần điều đó".

Mặc dù giờ đây sự đoàn kết, đồng lòng của người dân Hàn Quốc đôi khi hơi khó để cảm nhận. Khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa các thế hệ và giữa các đảng phái chính trị đang gia tăng trên mọi khía cạnh của đời sống. Có thể với cảm nhận của người người thì điều này là biểu hiện của sự chia rẽ hơn là đoàn kết.

Xã hội ngày càng thịnh vượng, con người ngày một giàu có và những ký ức về sự nghèo đói dường như đang mờ nhạt dần. Thế nhưng làm thế nào mà Hàn Quốc có thể đối phó được với cuộc khủng hoảng là một câu hỏi mà ngày nay nhiều người đang cố giải đáp. Phải chẳng đó là một bí mật về một sức mạnh thần kỳ?

Hung Ninh (vef.vn)