Tin tức

Tâm sự của bà cụ 91 tuổi muốn kết hôn

Cập nhật: 04/04/2012

 

Bà Bùi Thị Vinh, còn gọi là Mụ Bảy, năm nay 91 tuổi, sống ở ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, Bến Tre, dự định kết hôn với ông Hà Văn Tới (Mười Út) cùng tuổi. Hai tuần trước cả hai dắt tay nhau đến nhà thờ để nhờ cha xứ làm phép kết hôn thì bị con cháu hai gia đình ngăn cản. Chú rể thậm chí còn bị người thân của cô dâu lớn tiếng chửi bới.

Kể chuyện quyết định kết hôn với cụ Tới, cụ Vinh nói rằng chồng mất hơn 40 năm, con gái ruột đã yên bề gia thất bên tỉnh Trà Vinh nên nhiều năm qua bà ở một mình. Hai đứa con nuôi thỉnh thoảng mới đến thăm. Bà rất muốn có người bạn già bên cạnh để sớm hôm tâm sự, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi trái gió trở trời.

"Các con cháu tôi không chịu hiểu điều này, mà cố ngăn trở làm tôi thấy rất buồn và cô đơn", bà cụ ngần ngại cho biết.

Theo con gái cụ Vinh thì mẹ chị lú lẫn, đã gần đất xa trời nên không thể “đi bước nữa”. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với mọi người bà cụ vẫn tỏ ra thông thái, giọng hào sảng, đặc biệt là nét mặt trông trẻ hơn tuổi rất nhiều.

Bà cụ Vinh 91 tuổi nhưng nét mặt trông vẫn trẻ trung, tinh anh. Ảnh: Thịnh Tâm.
Bà cụ Vinh 91 tuổi nhưng nét mặt trông vẫn trẻ trung, tinh anh. Ảnh: Thịnh Tâm.

Còn chú rể Tới, từ ngày bị ngăn cản kết hôn với cô dâu Vinh đến nay ông cũng không được con cháu cho gặp người lạ. Người con trai ngoài 30 tuổi của cụ Tới nói rằng nếu kết hôn chắc cha anh phải “vô hòm” vì đã quá già.

Theo con trai cụ Tới, trước đây bà cụ Vinh làm ở nhà bảo sanh nên có nhận đỡ đầu cho người thân trong gia đình anh. Vì vậy, hai ông bà cụ già trở nên thân thiết với nhau. "Nhưng tình cảm ấy nếu vượt quá giới hạn làm bà con đàm tiếu, soi mói thì tôi không chấp nhận, nhất quyết ngăn cản cha kết hôn", người con khẳng định.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Phú Phụng, các con của hai cụ già không có quyền ngăn cản cha mẹ kết hôn vì chồng bà Vinh và vợ ông Tới đều đã mất. Vì vậy cuộc hôn nhân này không trái pháp luật.

“Đúng ra con cháu phải ủng hộ tâm nguyện của hai cụ. Vài hôm nữa chúng tôi sẽ họp để giao hội phụ nữ, ban tư pháp và hội người cao tuổi đến tìm hiểu, vận động con cháu hai cụ xem có đạt kết quả tốt hay không. Nếu được thì xã vẫn cấp giấy đăng ký kết hôn khi hai cụ hoàn chỉnh các giấy tờ tư pháp có liên quan”, ông Giang nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết nếu hai cụ có đủ năng lực hành vi dân sự, vợ chồng hai bên đã mất thì UBND xã Phú Phụng có quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai người. Hiện Luật hôn nhân gia đình không quy định mức tối đa bao nhiêu tuổi thì không được kết hôn.

“Luật cấm kết hôn với người mất hành vi dân sự, nhưng con của hai cụ không thể nói cha mẹ lú lẫn để lấy đó làm lý do cản trở, mà phải có giấy tờ giám định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tốt nhất thì UBND xã Phú Phụng nên khuyến khích hai cụ đi khám sức khỏe dù không có quy định buộc người đăng ký kết hôn phải làm việc này”, luật sư Đức bày tỏ quan điểm.